Bố trí thiết bị và xây dựng quy trình giặt sấy là cho phòng giặt của khách sạn


Có phòng giặt sấy là, là yêu cầu bắt buộc cho khách năm sao. Việc bố trí thiết bị và xây dựng quy trình giặt sấy là cho phòng giặt của khách sạn nói chung và khách sạn năm sao nói riêng là rất quan trọng để việc giặt sấy là được thực hiện dễ dàng và hiệu quả. Tại phòng giặt sấy, thiết bị Máy giặt – sấy công nghiệp là một trong những thiết bị rất quan trọng không thể thiếu trong việc giặt là khách sạn, vậy khi lắp đặt máy giặt sấy công nghiệp cho khách sạn chúng ta cần lưu ý gì?

Tại Sao Khách Sạn Bốn, Năm Sao Cần Máy Giặt Sấy Công Nghiệp

Theo quy định về tiêu chuẩn đối với khách sạn bốn, năm sao thì việc có các thiết bị giặt sấy là hiện đại phục vụ nhu cầu giặt sấy là đồ của khách sạn là yêu cầu bắt buộc. Ngoài ra, khi có đầy đủ thiết bị giặt sấy là cũng mang lại nhiều lợi ích khác cho khách sạn như:

– Khách sạn có thể chủ động hoàn toàn trong việc giặt đồ. Trong trường hợp cần gấp, đồ đã được giặt sạch luôn sẵn sàng.

– Nhân viên có thể kiểm soát hoàn toàn các chu trình giặt, và hao mòn đồ giặt, chất lượng đồ giặt. Do đó, độ bền của vải có thể được tăng lên, tiết kiệm chi phí mua mới.

– Giảm thiểu việc ăn cắp vặt do không phải mang đồ giặt ra ngoài

– Giảm thiểu thời gian, công sức cho việc làm sạch đồ, có thể tính toán để tận dụng nhân sự bộ phận buồng phòng làm việc lúc rảnh rỗi.

Lựa Chọn Máy Giặt Sấy Công Nghiệp Cho Khách Sạn 5 Sao

Lựa chọn thiết bị giặt sấy là có công suất phù hợp giúp tránh lãng phí công suất máy, tiết kiệm tài chính. Bố trí thiết bị hợp lý giúp công nhân thuận tiện trong việc giặt sấy là đồ, qua đó tăng năng suất làm việc. Ngoài ra khi được bố trí, sắp xếp hợp lý cũng giúp các thiết bị được vận hành hiệu quả và kéo dài tuổi thọ.

Để lựa chọn công suất thiết bị giặt sấy là cho khách sạn năm sao, bạn cần tính toán chính xác lượng đồ cần giặt. Với khách sạn năm sao, lượng đồ cần giặt đến từ các nguồn khác nhau như:

– Đồ giặt trong buồng phòng:
+ ga giường, vỏ chăn, vỏ gối và các đồ giặt định kỳ (mành, rèm, ruột chăn, ruột gối)
+ áo choàng tắm, khăn tắm, khăn lau tay, khăn mặt
+ loại khác: thảm lau chân, dép đi trong nhà
– Đồ giặt khu ăn uống: Khăn trải bàn, khăn ăn, khăn lau tay, áo ghế, quây bàn.
– Đồng phục của nhân viên, quần áo của khách.
– Đồ giặt khu Spa, masage như khăn mặt, khăn lau…
– Đồ giặt cho khu vực bể bơi

Sắp Xếp Máy Giặt Giặt sấy Công Nghiệp Cho Khách Sạn Năm Sao
Những yêu cầu về mặt bằng

Trước khi đưa máy giặt công nghiệp, máy sấy công nghiệp là vào vị trí, mặt bằng phải được đảm bảo, hệ thống điện, hệ thống thông gió, hệ thống thoát nước…cũng đã phải sẵn sàng.

– Cửa ra vào: phải đủ rộng để đưa thiết bị vào phòng cũng như ra một cách hiệu quả, dễ dàng với các xe chứa đồ giặt.

– Trần nhà: Phải đảm bảo không thấm nước và có đặc tính hấp thụ âm thanh tốt. Chiều cao tối thiểu 2.4-3m.

– Sàn nhà phải đảm bảo phẳng, không bị nghiêng để đảm bảo máy hoạt động tốt, không báo lỗi lệch lồng. Kết cấu nền nhà phải đủ vững chắc.

– Tường: nên được xây dựng trên vật liệu bền, chống ẩm và cách điện. Không cần quá nhiều cửa sổ, không gian tường có thể được sử dụng cho các kệ chứa đồ.

– Điện: cần có đủ ánh sáng, và kết nối điện thích hợp. Thông thường độ sáng tối thiểu cho phòng giặt phải từ 300lux trở lên.

– Cấp nước: cần có đủ nguồn cung cấp nước trong đồ giặt.

Cách bố trí thiết bị giặt sấy là cho khách sạn năm sao

Bố cục về vị trí đặt máy phải đảm bảo việc đi lại dễ dàng, tiết kiệm diện tích mà vẫn đảm bảo chất lượng đồ giặt. Cụ thể như sau:

– Máy giặt công nghiệp và máy sấy công nghiệp nên bố trí dọc theo tường

– Khoảng cách từ sau lưng máy giặt, máy sấy, máy ủi phẳng,…đến tường đủ lớn để thuận tiện cho công tác bảo trì, bảo dưỡng.

– Máy giặt vắt công nghiệp phải đặt trên sàn bằng bê tông có độ dày tối thiểu 10cm.

– Khoảng cách giữa hai máy nên để theo catalog lắp đặt của hãng sản xuất.

– Diện tích thông gió lấy khí tươi cho máy sấy, máy ủi phẳng = 5 lần diện tích thoát hơi.

Quy trình giặt sấy là trong khách sạn năm sao

Thiết lập quy trình giặt luôn là công việc quan trọng. Một quy trình hợp lý giúp kiểm soát được chất lượng đồ giặt, tiết kiệm nhân công và tăng hiệu quả khi sử dụng máy. Thông thường một quy trình giặt sẽ được thiết lập như sau:

1. Nhận yêu cầu giặt là của khách lưu trú

 Tại khách sạn, khi có nhu cầu giặt là trang phục, khách sẽ bỏ đồ vào các túi/ giỏ đựng đồ giặt là đặt trong phòng khách sạn, đến giờ quy định (Nhận trước 9h sáng), nhân viên phụ trách sẽ đi thu gom đồ cần giặt từ các phòng. Hoặc khách sẽ chủ động liên lạc với bộ phận lễ tân – buồng phòng để yêu cầu nhân viên đến nhận đồ giặt là.

  Khi nhận được yêu cầu, nhân viên giặt cần hỏi số phòng và nhanh chóng đến phòng của khách. Sau đó thực hiện các bước:

– Khi nhận đồ cần giặt là từ khách, bạn phải kiểm tra kỹ tình trạng trang phục để xem cho bị rách, hư hỏng gì không để xác nhận lại với khách.

– Hỏi khách về thời gian thực hiện dịch vụ: ngày hôm sau (24h), ngay trong ngày (8h), dịch vụ nhanh (trong 1 giờ) và thông báo cho khách biết về các chi phí phát sinh nếu có.

– Ghi vào phiếu giặt là đầy đủ các thông tin: tên khách, số phòng, loại trang phục, số lượng, tình trạng trang phục, hình thức giặt (giặt ướt, giặt khô), thời gian nhận, thời gian giao… và xin chữ ký của khách. Phiếu này có thể có 2 liên hoặc 3 liên theo quy định của mỗi khách sạn.

– Giao lại cho khách 1 liên phiếu giặt là, cần nhắc khách giữ phiếu để khi nhân viên buồng trả trang phục lại cho khách sẽ thu lại phiếu dịch vụ để báo với lễ tân khi khách check-out.

 Lưu ý:  trước khi ra khỏi phòng khách và mang đồ cần giặt đến bộ phận giặt là, nhân viên phải kiểm tra xem số phòng đã được ghi trên danh sách và túi đựng đồ hay chưa. Và gạch dòng nhận “danh mục giặt đồ của khách”.

2. Tiến hành giao trang phục cho bộ phận giặt là

Quá trình giao đồ cho bộ phận giặt là, bạn phải cùng nhân viên giặt là xác nhận lại trình trạng trang phục, giao cho họ 1 liên phiếu yêu cầu và yêu cầu người nhận ký xác nhận sau khi đã kiểm tra xong. Lưu ý với nhân viên giặt là các yêu cầu đặc biệt của khách.

Tại đây, bộ phận này sẽ tiến hành:

Phân loại khăn, vải, trang phục: Việc phân loại này phải căn cứ vào độ bền của chất liệu, kích cỡ, màu sắc, độ bẩn… để chia ra từng máy giặt khác nhau và tránh tình trạng quá tải trong mỗi lần giặt.

Giặt: Sau khi đã phân loại xong, nhân viên bỏ đồ vào máy giặt. Với mỗi loại đồ được phân loại thì nhân viên có cách giặt khác nhau. Nhân viên giặt có thể sử dụng thuốc tẩy hoặc chất làm mềm vải để xử lý trước khi đưa vào máy giặt.

Sấy khô và là: Các loại vải, khăn sau khi đã được giặt xong và vắt khô được đưa qua máy sấy. Nhân viên phải lưu ý chất liệu vải để điều chỉnh nhiệt độ và thời gian sấy cho phù hợp, cần tăng hạ nhiệt dần dần để tránh làm vải bị hư. Với những chất liệu vải như cotton thì chỉnh nhiệt độ cao, vải sợi tổng hợp thì sử dụng nhiệt độ thấp, nhiệt độ trung bình cho vải mỏng và sấy không cấp nhiệt cho vải có chất liệu bằng lông tơ hay lông mềm; sau đó là thành nếp.

Xếp trang phục: Trang phục của khách có thể được xếp gọn hoặc treo vào móc, bao lại bằng bịch nilong để giao trả cho khách

3. Nhận trang phục đã giặt là xong

Khi nhận trang phục từ bộ phận giặt là nhân viên giặt cần: Kiểm đếm số lượng, tình trạng trang phục, nếu không có vấn đề gì xảy ra khi mang đi trả lại khách theo đúng số phòng.

Để tránh những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra như:

Quần áo của khách bị hư hỏng: Trong tình huống này, trước tiên bạn nên nhận lỗi và sau đó hãy kiểm tra lại phiếu nhận để xem tình trạng trang phục trước khi giặt như thế nào. Nếu là những hư hỏng nhỏ như sút chỉ hay đứt cúc do quá trình giặt gây ra thì có thể chủ động dùng kim chỉ khâu lại cho khách. Còn nếu đó là những lỗi lớn như rách trang phục thì nhân viên giặt là phải trực tiếp gặp khách để xin lỗi và sẵn sàng bồi thường theo quy định của khách sạn.

Khách gọi điện phản ánh trang phục đã giặt nhưng có vết bẩn: Cần kiểm tra lại phiếu ghi nhận tình trạng của trang phục trước khi giặt. Nếu đó là vết ố bẩn đã có từ trước và không thể tẩy được thì phải khéo léo trình bày để khách hiểu. Trường hợp nếu vết ố bẩn đó do quá trình giặt là gây ra thì nhân viên phải xin lỗi khách và nhận lại trang phục để xử lý sạch sẽ vết bẩn đó.

Khách phàn nàn mức phí giặt là tại khách sạn quá cao: Nếu nhận được phàn nàn này từ khách, nhân viên giặt là phải khéo léo giải thích cho khách hiểu đây là mức phí quy định của khách sạn và cùng với đó khách sạn cam kết đem đến dịch vụ giặt là chất lượng tốt nhất cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu nhận quá nhiều phàn nàn về điều này, nhân viên phải báo lại cho quản lý được biết để có phương án điều chỉnh phù hợp. Để xử lý tốt tình huống này, nhân viên giặt là cần phải trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề tránh gây khó chịu, hiểu nhầm cho khách hàng.

4. Giao lại trang phục cho khách lưu trú:

  • Mang đồ đã giặt đến phòng cho khách: Kiểm tra thật đúng số phòng để tránh trường hợp có sự nhầm lẫn trả đồ giữa các phòng. Thường là sau 5h chiều và sử dụng “danh mục trả đồ của khách”.
  • Giao lại đồ giặt là và xác nhận số lượng, chủng loại, tình trạng trang phục với khách.
  • Trang phục phải được đảm bảo để trong túi hoặc trong giỏ đựng có danh sách đính kèm.
  • Thu lại phiếu dịch vụ giặt là mà khách giữ và yêu cầu khách ký nhận đồ giặt là.
  • Mọi đồ giặt là đã trả phải được gạch đi, ghi rõ thời gian trả. Nếu không hãy kiểm tra lại và xử lý tiếp.
  • Lưu lại nội dung nhận giặt là của khách hàng.
  • Chuyển lại danh mục trả đồ giặt trang phục tới bộ phận phụ trách lưu thông tin giặt là cùng với liên giặt là trong ngày. Sau đó sẽ tính phí và chi phí sẽ được chuyển vào hồ sơ của khách lưu trú.

Các bài viết khác