Giặt đồ là một công việc hằng ngày hết sức đơn giản đối với các bà nội trợ. Tuy nhiên, chưa hẳn là ai cũng giặt đồ bằng tay đúng cách đâu. Hãy xem ngay bài viết dưới đây để biết mình đã giặt đồ đúng cách chưa bạn nhé.
1. Chú ý đến các kí hiệu trên nhãn mác quần áo
Nhãn mác quần áo là nơi chứa các thông tin cơ bản về sản phẩm mà nhà sản xuất muốn nhắn nhủ tới người tiêu dùng. Bạn cần chú ý đến các ký hiệu giặt khuyên dùng như nhiệt độ, phương pháp sấy và một số điểm lưu ý giặt (nếu có).
Đa phần mọi người đều bỏ qua bước này và giặt giũ như bình thường, tuy nhiên, mỗi loại quần áo sẽ có mỗi cách giặt khác nhau. Đây là công đoạn rất quan trọng để giúp bạn kéo dài tuổi thọ của quần áo, tránh bị hư hỏng đáng tiếc xảy ra.
2. Phân loại quần áo
Phân loại quần áo là công đoạn quan trọng khi giặt giũ, kể cả giặt bằng tay. Quần áo nên được phân loại theo các tiêu chí sau:
- Màu sắc: Phân loại đồ trắng và đồ màu, nhằm hạn chế tình trạng lem màu sang những quần áo khác.
- Mức độ bẩn: Những quần áo dính bẩn nhiều nên được giặt riêng để tránh việc vết bẩn có thể bị dấy sang quần áo khác, hoặc còn bám dai dẳng khó tẩy sạch sau này.
- Một số vết bẩn phổ biến
+ Phân loại theo vết bẩn cũng là việc nên làm. Mỗi loại vết bẩn có cách làm sạch khác nhau. Hãy bảo đảm rằng vết bẩn đã được làm sạch trước khi bước qua công đoạn kế tiếp.
+ Vết dầu mỡ, dầu nhớt: Cho chất tẩy lên mặt sau của vết ố, để khoảng 3 phút rồi giặt bằng tay.
+ Vết máu: Ngâm vào nước lạnh khoảng 15 phút. Ngâm trong xà phòng hoặc thuốc tẩy khoảng 5 phút rồi giặt.
+ Vết thức ăn, nước sốt cà: Ngâm – vò quần áo trong nước khoảng 20 phút, rồi giặt với xà phòng.
3. Chọn nhiệt độ giặt giũ
Với mỗi chất liệu vải thường có nhiệt độ giặt khác nhau, ví dụ:
- Quần áo ra màu, quần áo dễ bị co rút vải: Chọn nhiệt độ nước 30 độ C.
- Quần áo vải lanh, cotton, vải len tổng hợp (nói chung làm từ vải sợi): Chọn nhiệt độ nước 40 độ C.
- Quần áo vải nilon, cotton tổng hợp: Chọn nhiệt độ nước 50 độ C.
- Drap trải giường, quần áo trẻ em, khăn tắm: Cchọn nhiệt độ nước 60 độ C.
- Quần áo vải lanh, cotton màu trắng, dễ bị bám bẩn: Chọn nhiệt độ nước 90 độ C.
Đây là khâu rất quan trọng trong khi giặt đồ. Nhiệt độ nước phù hợp giúp vết bẩn trên quần áo dễ dàng được làm sạch. Tránh giặt với nước quá lạnh hay quá nóng, vết bẩn không những không sạch mà còn gây hư hỏng quần áo.
4. Chọn dùng bột giặt phù hợp
Khi giặt đồ bằng tay, bạn cần tránh chọn bột giặt dành cho máy vì nó có độ tẩy thấp hơn bột giặt máy, nhưng lại cho ra nhiều bọt hơn. Bạn cũng có thể chọn nước giặt để mang lại hiệu quả giặt sạch tốt hơn. Nước giặt có mức độ hòa tan nhanh chóng hơn bột giặt nên không để lại cặn xà phòng trên quần áo. Tuy nhiên, nước giặt thường có giá tốn kém hơn.
5. Ngâm quần áo
Lời khuyên khi ngâm quần áo là bạn nên cho nước và bột giặt (thuốc tẩy) vào trước khi cho quần áo vào chậu. Nếu làm ngược lại thì với áp lực nước mạnh xả ra từ vòi, có thể làm biến dạng các kết cấu của sợi vải và làm cho chất tẩy rửa khó có thể phát huy hết công dụng.
6. Xả quần áo
Sau khi quần áo được giặt sạch với xà phòng, bạn cần đẩy quần áo lên – xuống trong chậu nước cho đến khi nào hết xà bông. Tiếp đó, bạn chỉ cần lấy lượng nước xả vải vừa đủ với số lượng quần áo, cho vào chậu nước sạch và ngâm quần áo khoảng 15 phút.
7. Phơi quần áo
Khi giặt bằng tay, việc vắt quần áo sẽ không hiệu quả như sử dụng máy sấy. Vì vậy, bạn cần chú ý đến việc phơi quần áo để không xuất hiện mùi hôi mốc. Hãy chọn nơi có nắng và thoáng gió, giúp quần áo khô nhanh chóng, tránh bị vi khuẩn xâm hại và gây ra mùi hôi khó chịu.